Cảnh tượng tréo ngoe tại H&M và sự đổ bộ của cơn bão "fast fashion" tại Việt Nam

19/09/2017 09:59 AM | Xã hội

Zara phá kỷ lục bán hàng ở Việt Nam, H&M đón nhận 12.000 lượt khách trong ngày đầu khai trương, Uniqlo đăng đơn tuyển dụng đầy ưu đãi để chuẩn bị cho sự ra mắt ở Việt Nam.

Đó là một số minh chứng cho thấy, cơn bão thời trang ngoại đang ập đến nước ta. Và nếu DN (doanh nghiệp) nội không tận dụng, ứng biến kịp thời sẽ bị cơn bão này san phẳng.

Những kỷ lục về thời trang ở Việt Nam

Ngày 2/9 vừa qua, 12.000 lượt người đã tới mua sắm trong ngày khai trương cửa hàng đầu tiên của thương hiệu H&M tại TP HCM. Khách hàng háo hức đến nỗi chờ từ tối hôm trước, ngồi chầu chực dưới sương đêm, dưới cái nắng 36 độ của Sài Gòn để canh đúng 11h trưa, H&M mở cửa.

Cũng một năm trước đó, cảnh tượng y nguyên khi dòng người lũ lượt kéo đến chào đón sự xuất hiện của thương hiệu Zara đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Chỉ trong một ngày mở bán, Zara đã đạt được 5,5 tỷ đồng, phá kỷ lục doanh thu bán hàng trên cả 2.000 điểm bán toàn cầu tại 88 quốc gia.

Thật tréo ngoe, cảnh tượng này lại xảy ra tại một quốc gia xuất khẩu hàng dệt may thuộc top đầu thế giới, với rất nhiều thương hiệu thời trang trong nước chất lượng cao.

Với dân số trên 90 triệu người, thị trường thời trang Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân 15-20%/năm. Thị trường tiêu thụ trong nước với mức 4,5 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, các DN nội lại mải mê gia công, xuất khẩu. Bằng chứng là kim ngạch năm 2016 đạt hơn 23 tỷ USD. Mảnh đất màu mỡ này đành nhường lại cho các DN nước ngoài - đang ồ ạt đổ bộ vào như cơn bão số 10 vừa qua.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) lý giải, thị trường tiêu thụ hàng dệt may trong nước dù ở mức 4,5 tỷ USD nhưng năng lực sản xuất của ngành đã rất lớn. Thị trường nội địa không thấm gì so với kim ngạch xuất khẩu, khiến các DN nội khó giảm xuất khẩu để quay về.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại, chiếm hơn 60% thị trường. 40% còn lại đang bỏ ngỏ.

Liệu các DN thời trang trong nước có bắt kịp xu thế, khi Uniqlo đang ráo riết tuyển dụng nhân sự chuẩn bị ra mắt hai cửa hàng đầu tiên ở TP HCM năm nay, Forever 21 cũng dự kiến có mặt tại Việt Nam vào năm 2018...?

Cảnh tượng tréo ngoe tại H&M và sự đổ bộ của cơn bão fast fashion tại Việt Nam - Ảnh 1.

Người Việt chịu chi nhưng sản phẩm “Made in Vietnam” quá đắt?

Trong dòng người chờ mua tại cửa hàng H&M vừa qua, một khách hàng cho biết, anh sẵn sàng chi gần 1 triệu đồng để mua chiếc áo thương hiệu ngoại này, nhưng quyết không bỏ 300.000 đồng để mua chiếc áo “made in Vietnam” vì nó quá đắt.

Anh giải thích rõ hơn: 300.000 đồng chỉ mua được chiếc áo “made in Vietnam” với mẫu mã, chất lượng thua xa. Nhưng với 1 triệu đồng, bạn khó có thể sở hữu bộ cánh ưng ý với mẫu độc của các nhãn “made in Vietnam” xịn.

Đối với thời trang nhanh, thời gian và tốc độ là yếu tố tối quan trọng. Để làm được điều đó, các hãng quốc tế đã tạo ra một quy trình mà tổng thời gian thiết kế, sản xuất, bán sản phẩm chỉ tính theo tháng, thậm chí là theo tuần, tạo cảm giác độc, không mua nhanh sẽ hết.

Đơn cử như H&M, trung bình, mỗi tuần, thương hiệu thời trang bình dân đến từ Thụy Điển đưa ra thị trường 2 mẫu mới và khoảng hơn 10.000 thiết kế mới trong một năm cho 16.000 cửa hàng trên toàn cầu. Và họ chỉ mất khoảng 10 - 15 ngày để các mẫu thiết kế từ trên sàn diễn đến tay người tiêu dùng. Đây là bài toán khó mà DN nội đang loay hoay tìm phương pháp giải.

Thời trang nhanh (fast fashion) ở Việt Nam đang làm mưa làm gió. Ông Fredrik Famm, Đại diện H&M phải thốt lên rằng, chỉ khi đến Việt Nam, ông mới thực sự tin rằng, người dân ở đây thích thời trang đến thế.

Cảnh tượng tréo ngoe tại H&M và sự đổ bộ của cơn bão fast fashion tại Việt Nam - Ảnh 2.

Theo một khảo sát trực tuyến của hãng Niesel, người Việt mê hàng hiệu thứ 3 thế giới với tỷ lệ 56% sẵn sàng chi bộn tiền cho hàng hiệu, chỉ sau Trung Quốc đứng đầu với 74% và Ấn Độ đứng thứ hai với 59%.

Fredrik Famm đã không sai. Minh chứng thực tế cũng đã rõ trong cả 2 lần khai trương cửa hàng đầu tiên của thương hiệu H&M và Zara tại TP HCM.

Khó cạnh tranh về thiết kế mẫu mã, ông Nguyễn Viết Thắng, Giám đốc Chi nhánh miền Nam Ivy Moda cho biết, thay vì đối đầu trực tiếp với DN ngoại, nhiều hãng thời trang trong nước đã lựa chọn điểm yếu của thời trang nhanh, đó là chất lượng sản phẩm nhằm hướng tới một phân khúc khách hàng cao hơn.

Giám đốc thương hiệu I hate fashion - Samuel Hoàng cũng cho rằng, giá nguyên liệu rẻ chỉ là giá nguyên liệu được pha tạp với những nguyên liệu tổng hợp. Và đấy chính là điểm mà đơn vị phải bám vào. Thứ nhất, mở rộng hơn và kỹ càng hơn về chất lượng. Thứ hai, gắn nhiều hơn yếu tố vùng miền.

“Chúng tôi đã phải phân tích rất nhiều về màu sắc, tỉ lệ, những form dáng mà đặc biệt người Việt Nam cũng như người Châu Á ưa chuộng. Nếu như các DN Việt Nam biết quảng bá có chiến lược tốt nhạy bén với xu hướng chung của thị trường thì cơ hội làm chủ được thị trường là một bài toán khó nhưng không phải là không thể giải quyết được”, đại diện thương hiệu này cho hay.

Hồng Minh

Từ khóa:  thời trang
Cùng chuyên mục
XEM